Tết Nguyên Đán không phải là lễ mừng năm mới chỉ có riêng ở Trung Quốc, Việt Nam hay Hàn Quốc. Trên thực tế, đây là một trong những ngày lễ phổ biến nhất trên toàn cầu và một trong những khu vực đón Tết Nguyên Đán náo nhiệt nhất lại chính là Đông Nam Á. Tại nơi đây, Tết Nguyên đán là ngày lễ quốc gia được công nhận ở Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam, cũng như là dịp lễ quan trọng ở khu vực bốn tỉnh phía Nam Thái Lan giáp với Malaysia. Xin quý hành khách hãy thắt dây an toàn để VIVU5SAO đưa bạn lên chuyến bay thăm thú những điều thú vị trong ngày Tết tại các quốc gia láng giềng!
Có thể bạn quan tâm:
- Cập nhật bảng giá vé Yoko Onsen Quang Hanh dịp cuối năm 2022
- Đại lý vé Thủy Phi Cơ Hạ Long – Cập nhật giá mới nhất tháng 1/2023
- Giá thuê du thuyền cá nhân tại Vịnh Hạ Long – NEW!!!
- Đại lý đặt phòng Legacy Yên Tử Quảng Ninh – Du lịch Xuân 2023
Lễ hội ở Singapore
Singapore là thành phố quốc tế đa sắc tộc và đa dạng về văn hóa nhất ở Đông Nam Á. Tại đây, người ta có thể tìm thấy người Trung Quốc, người Mã Lai, người Ấn Độ và người lai Âu-Á mặc trang phục truyền thống của Trung Quốc cùng đón Tết Nguyên đán, chúc nhau “Gong Xi Fa Cai” (Cung Hỉ Phát Tài) bằng tiếng Quan Thoại, tiếng Quảng Đông hoặc tiếng Phúc Kiến trên đường phố.
Yusheng – một món gỏi cá sống kiểu Quảng Đông và Bakkwa – một loại thịt khô vị mặn ngọt – là những món ăn phổ biến nhất gắn liền với Tết Nguyên đán như biểu tượng của sự dồi dào và thịnh vượng.
Ngày Tết ở Singapore tưng bừng, rộn rã với các lễ hội kéo dài suốt ngày đêm, tiêu biểu như Lễ hội Huayi (biểu diễn nghệ thuật Trung Quốc), Lễ diễu hành Chingay với các tiết mục biểu diễn truyền thống của Trung Quốc như múa sư tử và đi cà kheo, cùng với đó là Lễ hội hóa trang River Hongbao.
Khu phố Hoa lâu đời ở Philippines
Ở Philippines, Tết Nguyên đán là không được coi là một ngày lễ quốc gia phổ biến nhưng đã trở thành một “ngày lễ được nghỉ việc đặc biệt” đối với tất cả mọi người.
Khu Binondo nhộn nhịp ở Thủ đô Manila là khu phố người Hoa lâu đời nhất trên thế giới. Thành lập vào năm 1594, nhiều thế hệ người người Trung Quốc đã sinh sống, xây dựng cơ nghiệp và duy trì qua nhiều thế hệ tại đây. Không ngạc nhiên khi lễ đón Tết Nguyên Đán lớn nhất ở Philippines được tổ chức tại khu phố lịch sử này.
Trong dịp Tết Nguyên đán, Binondo đón hàng nghìn du khách háo hức tham gia các lễ hội độc đáo. Bầu không khí của khu phố sôi động với đoàn biểu diễn múa lân sư rồng, cùng với những chiếc xe bóng loáng chở các chính trị gia và người nổi tiếng đến tặng kẹo hoặc đồ trang sức may mắn.
Tiếng trống vang vọng đến tận nơi ngõ hẻm, hòa quyện với tiếng pháo nổ đinh tai của những đứa trẻ nghịch ngợm. Người bán hàng đứng dọc các con phố với những bàn đồ ăn ngon lành, thứ đồ chơi bằng nhựa bắt mắt và những chiếc bùa may mắn hứa hẹn sẽ mang lại sự thịnh vượng cho năm mới. Trái ngược với sự ồn ào, náo nhiệt đó, ở một góc khu phố khác của Binondo là dòng người dài trang nghiêm xếp hàng thắp nến, hương tại nhà thờ Santo Cristo de Longos.
Philippines đa số là người theo Công giáo (và rất sùng đạo), nhà thờ trong khu phố người Hoa Binondo là một sự giao thoa tôn giáo và văn hóa rất đặc sắc bên cạnh những ngôi chùa Phật giáo địa phương, nơi những người thưởng ngoạn dừng chân có vài phút lắng đọng nơi thanh tịnh giữa lễ hội cuồng nhiệt.
Lễ tình nhân ở Malaysia
Với gần một phần tư dân số Malaysia là người gốc Hoa, lễ đón Tết Nguyên đán ở quốc gia 32 triệu dân này rất hoành tráng và sôi động. Trong suốt lễ hội kéo dài hai tuần, người Malaysia cùng nhau trang trí nhà cửa, đường phố tưng bừng với các màn biểu diễn lân sư rồng và tận hưởng sự đoàn viên.
Một trong những phần quan trọng nhất của lễ tất niên là bữa tối sum họp, diễn ra tại nhà hoặc nhà hàng và thưởng thức các món ăn có tỏi tây. Từ tỏi tây trong tiếng Quan Thoại nghe giống như từ “đếm” và được ăn trong dịp Tết Nguyên Đán như một biểu tượng tốt lành của sự giàu có, thịnh vượng.
Vào ngày Tết Nguyên Tiêu (15 tháng Giêng), Lễ hội tình yêu Chap Goh Meh của người dân Malaysia gốc Hoa được coi như ngày lễ Valentine, các cô gái sẽ viết tên, điều ước, số điện thoại lên quả cam và ném xuống biển. Các chàng trai sẽ đi chọn quả cam và gọi cho cô gái mà họ coi là một nửa đời mình. Truyền thống này vẫn được tiếp tục ở Penang cho đến ngày nay.
Đôi khi không chỉ là các cô gái mà nhiều người – bất kể tuổi tác hay tình trạng mối quan hệ – cũng tham gia để tìm kiếm vận may. Các cuộc thi cũng được tổ chức với chàng trai nào vớt được nhiều cam nhất sẽ giành được những phần thưởng nhỏ.
Tatung ở Indonesia
Người Hoa ở Indonesia gắn liền với một lịch sử phức tạp, nhưng sau nhiều năm họ đã ghi dấu ấn đậm nét về văn hóa trên quần đảo này. Một trong những ví dụ điển hình nhất là thành phố Singkawang trên đảo Borneo, với 70% dân số là người gốc Hoa, nơi họ tự đặt cho mình biệt danh: “Khu phố người Hoa của Indonesia”.
Người Indonesia gọi Tết Nguyên đán là “Imlek”, một từ tiếng Phúc Kiến có nghĩa là “âm lịch”. Trong phần lớn nửa sau của thế kỷ 20, việc tổ chức lễ Imlek từng bị cấm dưới thời Suharto để hạn chế ảnh hưởng về văn hóa của người Hoa. Sang thế kỷ mới, khi người Indonesia gốc Hoa từng bước duy trì và phát triển bản sắc dân tộc trong một xã hội cởi mở hơn, Imlek đã được công nhận là một ngày lễ không bắt buộc vào năm 2001 và sau đó trở thành ngày lễ quốc gia vào năm 2003.
Vào ngày 15 và là ngày cuối cùng của Tết Nguyên đán, Khu phố người Hoa Singkawang tổ chức Tết Nguyên Tiêu theo cách thú vị và độc đáo hiếm thấy ở bất kỳ đâu. Nổi bật trong đó là hàng nghìn chiếc đèn lồng đỏ thắp sáng thành phố và “Lễ diễu hành Tatung” – sự kết hợp văn hóa kinh ngạc giữa người gốc Hoa trong khu vực và người dân tộc Dayak bản địa của đảo Borneo.
Những người tham gia đoàn diễu hành được gọi là “Tatung” – họ được coi là những người được thần linh lựa chọn để thực hiện nghi lễ và có khả năng phi thường. Trong lễ hội mừng năm mới được người địa phương gọi là Cap Go Meh, hàng trăm Tatung từ đàn ông, phụ nữ và thậm chí cả trẻ em, bước xuống đường phố Singkawang trình diễn với những thanh thép sắc nhọn đâm xuyên qua mặt mà không cảm thấy đau đớn hay chảy máu. Sự thể hiện sức mạnh và quyền uy này được cho là sẽ xua đuổi tà ma, giữ cho thành phố yên bình.
Tại Glodok, khu phố người Hoa ở Jakarta, vào sáng mùng 6 Tết, mọi người sẽ đến cầu nguyện tại ngôi chùa Trung Quốc cổ nhất tại đây, có tên là Jin De Yuan. Ngôi chùa được xây dựng vào năm 1650.
Thành kính thần hộ mệnh ở Thái Lan
Thái Lan mệnh danh là quốc gia có dân số Hoa kiều lớn nhất thế giới. Một số quan điểm cho rằng đất nước Đông Nam Á này có tới 40% dân số có một phần dòng máu tổ tiên là người Trung Quốc. Ngay cả khi cộng đồng người Hoa đã hòa nhập vào xã hội Thái Lan suốt hơn 200 năm qua và tự coi mình là người Thái, văn hóa Trung Quốc vẫn được tôn vinh rộng rãi.
Tết Nguyên đán chỉ là một trong ba lễ đón năm mới được tổ chức ở Thái Lan, rơi vào khoảng giữa Tết Dương lịch và Tết Songkran của người Thái vào ngày 13/4.
Vào thời điểm này, Thủ đô Bangkok sẽ tổ chức các lễ hội ở khu phố người Hoa Yaowarat đông đúc, nơi ít nhất có một thành viên của hoàng gia Thái Lan, thường là một trong các công chúa, sẽ đến tham dự. Bên cạnh đó, Tết Nguyên đán cũng được tổ chức ở tỉnh Nakhon Sawan. Ở huyện Pak Nam Pho, người dân tỏ lòng thành kính các thần hộ mệnh của tỉnh như một phần của Tết Nguyên đán, cùng nhau ăn mừng lễ hội kéo dài 12 ngày được gọi là Tết Nguyên đán Pak Nam Pho.
Được chờ đợi nhất là những ngày cuối cùng của lễ hội, khi những đám rước ấn tượng để tôn vinh thần linh diễn ra dọc theo các đường phố chính của thành phố. Lễ hội đầu tiên là cuộc diễu hành buổi tối với ánh sáng rực rỡ, những chiếc xe hoa nhiều màu sắc, những con rồng được chiếu sáng và đoàn biểu diễn trong trang phục cầu kỳ.
Lễ hội còn lại được lên lịch vào sáng hôm sau, là một đám diễu hành hấp dẫn không kém của các vũ công và nhào lộn, được cho là sẽ làm hài lòng các vị thần và ban phước cho tỉnh. Nhiều chương trình biểu diễn, trang trí lễ hội, hội chợ và sự kiện hoành tráng trải dài khắp thành phố, khiến Nakhon Sawan trở thành một trong những nơi thú vị nhất để chào đón năm mới Âm lịch.
Tết ở Campuchia
Người gốc Hoa ở Campuchia được coi là thiểu số tại quốc gia Đông Nam Á, chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng dân số của đất nước. Mặc dù vẫn được tổ chức trên khắp đất nước, nhưng Tết Nguyên đán của người Campuchia gốc Hoa hiếm có những đám đông khổng lồ và các cuộc diễu hành xa hoa.
Sau những biến cố lịch sử, văn hóa người Hoa tại đây đã được phổ biến nhiều hơn. Ngày nay, người Campuchia gốc Hoa trang trí nhà cửa, họp mặt gia đình trong các bữa ăn truyền thống và viếng thăm các ngôi chùa để tỏ lòng thành kính với tổ tiên.
Các lễ hội năm mới chủ đạo của Campuchia diễn ra vào giữa tháng 4 trong ba ngày Tết của người Khmer (địa phương gọi là Chol Chnam Thmay), đánh dấu sự kết thúc của mùa thu hoạch.
Nhiều nghi lễ Phật giáo được thực hiện, chẳng hạn như xây dựng các đồi tượng cát trong khuôn viên chùa và rửa tượng Phật bằng nước thơm. Người dân mở rộng hoạt động từ thiện, chơi các trò chơi truyền thống và biểu diễn các điệu múa truyền thống để ăn mừng. Ở nhiều vùng nông thôn Campuchia, lễ hội té nước ngày càng phổ biến để chào đón năm mới tươi vui.
Bài viết đáng chú ý:
- Bảng giá phòng, dịch vụ tại Vinpearl Resort & Spa Hạ Long – Du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu Hạ Long
- Đặt tàu tiếng thăm Vịnh “Rồng Thiêng” chuẩn 5 sao Queen Cruise – Đại lý cấp 1
- Cập nhật bảng giá tour thăm vịnh Hạ Long trong ngày mùa Đông 2022
Pháo hoa, múa lân và sắc đỏ rực rỡ tràn ngập khắp đường phố, nhà cửa là nét nổi bật của Tết Nguyên Đán – ngày lễ đánh dấu sự bắt đầu của năm mới Âm lịch, đón chờ một mùa Xuân mới đong đầy tài lộc, may mắn. VIVU5SAO đã giới thiệu đến bạn những cách chào đón năm mới, hoạt động và phong tục không hoàn toàn giống nhau, Tết Nguyên Đán ở các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Philippines, Singapore,… Mong rằng những chia sẻ của VIVU5SAO sẽ giúp bạn tìm ra điểm đến phù hợp cho chuyến du lịch đầu xuân, chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng các bạn trên mọi nẻo đường du lịch.